Sáng ngày 28/05/2024, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM đã tổ chức Hội thảo “Phát triển bền vững nuôi trồng và chế biên rong, tảo tại Việt Nam”. Đây cũng là cơ hội để nhà Khoa học – Nông dân – Doanh nghiệp – Nhà nước cùng nhau chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và tìm ra những giải pháp hiệu quả nhất cho sự phát triển bền vững của ngành rong tảo tại Việt Nam.

 Là một trong những trường đại học lâu đời và hàng đầu về nông nghiệp tại Việt Nam, Trường Đại học Nông Lâm TP. HCM luôn đặt mục tiêu nghiên cứu và phục vụ cộng đồng lên hàng đầu. Hội thảo này là một trong những hoạt động để thực hiện Thoả thuận EDU 2023-04 về thực hiện dự án "Nâng cao bền vững của kinh tế biển thông qua sự hợp tác chuyên môn và giáo dục" ngày 08/11/2023 giữa Bộ trưởng Bộ Ngoại giao - đại diện Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam và Nhà trường.

 

 

Tham dự Hội thảo, về phía Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam có bà Nguyễn Thị Hương – Đại diện văn phòng Đại sứ quán; Về phía trường Đại học Galway tại Ireland có Dr. Ronan Sulpice và Dr. Matthias Schmid; Về phía trường Đại học Nông Lâm TP.HCM có PGS.TS. Nguyễn Tất Toàn – Hiệu trưởng Nhà trường, cùng đại diện Lãnh đạo các Khoa, Phòng, Viện nghiên cứu trong trường; Đại diện một số trường Đại học, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và học viên, sinh viên quan tâm.

Rong, tảo là nguồn tài nguyên sinh học quý giá, tiềm năng tại Việt Nam

Nhấn mạnh về vai trò của rong, tảo, PGS.TS. Nguyễn Tất Toàn khẳng định: “Rong tảo, với vai trò là nguồn tài nguyên sinh học quý giá, không chỉ có giá trị về dinh dưỡng mà còn đóng góp lớn vào việc bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Nuôi trồng và chế biến rong tảo không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần quan trọng vào bảo vệ môi trường. Rong tảo có khả năng hấp thụ CO2, giúp giảm thiểu hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, sản phẩm từ rong tảo còn có tiềm năng lớn trong ngành thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho nền kinh tế Việt Nam”.

Rong tảo là nguồn nguyên liệu quan trọng cho nhiều ngành công nghiệp. Việc phát triển ngành nuôi trồng và chế biến rong tảo sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm, cải thiện thu nhập cho nông dân và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế quốc gia - PGS.TS. Nguyễn Tất Toàn cho biết thêm.

Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển nuôi trồng rong tảo. Theo đó, các đảo khu vực miền Trung có thành phần loài rong biển đa dạng hơn so với khu vực miền Bắc và miền Nam. Cụ thể, thành phần loài đa dạng nhất ghi nhận tại Lý Sơn với 143 loài, tiếp đến tại Phú Quý ghi nhận 136 loài, Bạch Long Vỹ ghi nhận 112 loài, 3 đảo gồm: Cồn Cỏ, Côn Đảo, Nam Du cùng ghi nhận được 96 loài, Trường Sa ghi nhận 81 loài, Cô Tô ghi nhận 79 loài và Vĩnh Thực ghi nhận 70 loài.

Vai trò của các bên liên quan: Nhà Khoa học – Nông dân – Doanh nghiệp – Nhà nước

Tại Hội thảo, các đại biểu từ các đơn vị, doanh nghiệp, chuyên gia đã trình bày, chia sẻ các vấn đề liên quan đến thực trạng nuôi trồng rong biển, tảo tại Việt Nam; Tiềm năng phát triển các sản phẩm chế biến từ rong sụn Ninh Thuận, Nuôi trồng và ứng dụng công nghệ sinh học để gia tăng các hợp chất có hoạt tính sinh học từ vi tảo; Xây dựng doanh nghiệp xanh để phát triển bền vững việc trồng và chế biến rong biển. Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng này, sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan là điều không thể thiếu.

Theo đó, Hội Thảo cho rằng, các nhà khoa học đóng vai trò tiên phong trong nghiên cứu và phát triển các giống rong tảo mới, nâng cao năng suất và chất lượng. Công tác nghiên cứu không chỉ dừng lại ở việc cải thiện giống mà còn bao gồm phát triển các phương pháp nuôi trồng và chế biến tiên tiến, thân thiện với môi trường.

 Nông dân là lực lượng chính trong việc thực hiện các phương pháp nuôi trồng rong tảo. Họ là những người trực tiếp ứng dụng các kỹ thuật và kiến thức từ các nhà khoa học vào thực tế. Cần có các chính sách hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để khuyến khích nông dân tham gia vào ngành nuôi trồng rong tảo.

Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc đầu tư, phát triển thị trường và tiêu thụ sản phẩm rong tảo. Họ là cầu nối giữa nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tế, giúp chuyển đổi những phát minh, sáng kiến thành sản phẩm thương mại. Các doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ với các nhà khoa học và nông dân để xây dựng chuỗi cung ứng bền vững. Đồng thời, họ cũng cần có chiến lược marketing hiệu quả để quảng bá sản phẩm rong tảo tới người tiêu dùng.

Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi về chính sách, hạ tầng và hỗ trợ tài chính cho ngành nuôi trồng và chế biến rong tảo. Các chính sách cần hướng đến việc bảo vệ môi trường, hỗ trợ nông dân và khuyến khích sự đổi mới sáng tạo. Khuyến khích sự hợp tác quốc tế để học hỏi và áp dụng các kinh nghiệm tiên tiến từ các nước bạn cũng là một yếu tố quan trọng. Điều này giúp ngành rong tảo Việt Nam bắt kịp với xu hướng phát triển toàn cầu và nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế.

Tiềm năng phát triển các sản phẩm chế biến từ rong sụn Ninh Thuận

Trong khuôn khổ chương trình, hội thảo cũng đã chia sẻ về tiềm năng phát triển các sản phẩm chế biến từ rong sụn. Theo đó, nằm ở trung tâm vùng nước trồi, nên biển Ninh Thuận có độ mặn cao, trong sạch và giàu chất dinh dưỡng rất phù hợp cho nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nghề nuôi trồng rong sụn.

Rong sụn là một trong những đặc sản biển nổi tiếng của tỉnh Ninh Thuận được nhiều người biết đến và yêu thích. Rong, sụn biển được chế biến với các món ăn và đồ uống như: gỏi rong sụn, rong sụn kim chi, mứt rong sụn, nước giải khát….

Đại biểu tham dự cũng đã chia sẻ về định hướng phát triển tiềm năng sản xuất rong, sụn Ninh Thuận nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình, mang nguồn dinh dưỡng đến cộng đồng xã hội, góp phần phát triển nền kinh tế của địa phương.

 

Quang cảnh buổi Hội thảo

 

 

Phòng Thông tin Truyền thông

Số lần xem trang: 2406
Nhập ngày: 28-05-2024
Điều chỉnh lần cuối: 28-05-2024

Tin mới

LỄ KÝ KẾT THỎA THUẬN HỢP TÁC GIỮA TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM TP.HCM VÀ CÔNG TY CỔ PHẦN THÀNH THÀNH CÔNG - BIÊN HÒA (07-07-2024)

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ CHĂN NUÔI VÀ NÔNG NGHIỆP LẦN THỨ 5 (05-07-2024)

ĐẨY MẠNH HỢP TÁC TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC, KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO GIỮA TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM TP.HCM VÀ TẬP ĐOÀN ARCHER DANIELS MIDLAND (28-06-2024)

ĐOÀN KIỂM TRA CÔNG TÁC COI THI TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM TP.HCM LÀM NHIỆM VỤ TẠI TỈNH ĐỒNG THÁP (27-06-2024)

TUYÊN DƯƠNG, KHEN THƯỞNG HỌC SINH LÀ CON CÁN BỘ VIÊN CHỨC TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM TP.HCM (26-06-2024)

CHƯƠNG TRÌNH ĐỐI THOẠI PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC “LÃNH ĐẠO DẪN DẮT - KINH NGHIỆM ĐÀO TẠO ĐỘI NGŨ KẾ THỪA” (25-06-2024)

BẾ MẠC ĐÁNH GIÁ NGOÀI CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO THEO TIÊU CHUẨN AUN-QA LẦN THỨ 390 (20-06-2024)

ĐOÀN CHUYÊN GIA AUN-QA ĐÁNH GIÁ NGOÀI 04 CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM TP. HỒ CHÍ MINH (18-06-2024)

TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM TP.HCM: THAM GIA HỘI NGHỊ IPVS LẦN THỨ 27 TẠI LEIPZIG (11-06-2024)

LỄ PHÁT ĐỘNG TRỒNG CÂY CHỐNG XÓI MÒN, PHỤC HỒI ĐẤT HƯỞNG ỨNG NGÀY MÔI TRƯỜNG THẾ GIỚI 05/6/2024 VÀ THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ MÔI TRƯỜNG NĂM 2024 (05-06-2024)

Xem thêm ...
PHÒNG THÔNG TIN TRUYỀN THÔNG - ĐẠI HỌC NÔNG LÂM TP.HCM
Phòng: 401 - Nhà điều hành - Đại học Nông lâm TP.HCM, Khu phố 6, Phường Linh Trung - Tp.Thủ Đức - TP.Hồ Chí Minh
Tel: 028 3535 9097 - Email: ptttt@hcmuaf.edu.vn - Website: https://4t.hcmuaf.edu.vn

logolink