Hội thảo được tổ chức dưới hai hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của các nhà khoa học đến từ Khoa Khoa học, Đại học Kasetsart, Bangkok, Thái Lan; Các nhà khoa học đến từ các trường đại học tại Việt Nam, về phía Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM có PGS.TS Nguyễn Tất Toàn - Phó hiệu trưởng; TS. Lê Thị Diệu Trang - Quyền Viện trưởng - Viện Nghiên cứu Công nghệ Sinh học và Môi trường cùng lãnh đạo các đơn vị/ khoa, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh.
Tại hội thảo, các nhà khoa học đến từ các trường đại học trong nước và Đại học Kasetsart đã trình bày tập trung vào các nghiên cứu liên quan đến sinh học hệ gen trong nông nghiệp và các kết quả nghiên cứu về lĩnh vực công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo trong bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên và chẩn đoán các tác nhân gây hại trong nông nghiệp giữa các nhà khoa học Việt Nam và Thái Lan với gần 20 đề tài nghiên cứu, tiêu biểu như: Xác định giới tính ở cá: bài học kinh nghiệm cho việc xác định giới tính trong nuôi trồng thủy sản - PGS.TS Kornsorn Srikulnath; Gen opsin: bản địa hóa và biểu hiện ở côn trùng - TS. Lê Thị Diệu Trang; Phân tích toàn bộ phiên mã xác định dấu hiệu biểu hiện gen liên quan đến khả năng chịu mặn ở một số giống lúa - TS. Nguyễn Đình Trường - Đại học Tân Tạo ….
PGS.TS Nguyễn Tất Toàn cho rằng, hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng giúp cho các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên, học viên các trường đại học của 2 nước và người quan tâm hiểu rõ hơn tầm quan trọng cũng như tìm hiểu thêm về các nghiên cứu, kết quả đạt được trong nghiên cứu của sinh học hệ gen trong nông nghiệp và bảo tồn. “Kết quả đạt được trong hội thảo này sẽ góp phần thúc đẩy nhiều nghiên cứu về hệ gen nhằm ứng dụng và giải quyết những yêu cầu và thách thức trong lĩnh vực nông nghiệp và bảo tồn giữa hai nước”, PGS.TS Nguyễn Tất Toàn khẳng định.
Phòng Thông tin Truyền thông
Số lần xem trang: 2409
Nhập ngày: 18-08-2022
Điều chỉnh lần cuối: