Ngày 22/4/2022 tại Phân hiệu trường Đại học Nông Lâm TP.HCM tại tỉnh Ninh Thuận đã diễn ra Hội thảo “Vai trò Trường Đại học, viện nghiên cứu trong hệ thống đổi mới sáng tạo và khai thác tài sản trí tuệ”. Hội thảo do Trường Đại học Nông Lâm TP. HCM phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận tổ chức. Tại Hội thảo, các nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp cùng thảo luận đưa ra những đề xuất, khuyến nghị hữu ích cho các trường đại học, viện nghiên cứu và cả doanh nghiệp với mục tiêu: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của sở hữu trí tuệ đối với công tác NCKH, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu; Thảo luận về chính sách và chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng chính sách quản lý sở hữu trí tuệ và mô hình thành công trong thương mại hóa tài sản trí tuệ được tạo ra tại trường đại học, viện nghiên cứu.
PGS.TS Nguyễn Tất Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP. HCM phát biểu khai mạc Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có sự đại diện của Trung tâm ứng dụng và dịch vụ Khoa học và công nghệ, cục công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diện các Sở/ban ngành của tỉnh Ninh Thuận và các doanh nghiệp, viện nghiên cứu trên địa bàn, cũng như lãnh đạo, giảng viên và các nhà khoa học thuộc trường Đại học Nông Lâm TP. HCM. Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Tất Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh cho rằng “Tài sản trí tuệ là những sản phẩm của hoạt động trí tuệ, là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước, đó cũng là nguồn tài nguyên không giới hạn mà mỗi đơn vị đều có thể tạo ra. Trường đại học, một chủ thể quan trọng của khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo sẽ phát huy được mạnh mẽ thế mạnh và thực thi sứ mệnh của mình hiệu quả khi ở tầm vĩ mô, vấn đề đổi mới sáng tạo và cơ chế chính sách cho đổi mới sáng tạo ở trường đại học là nhân tố sống còn cho phát triển một xã hội đổi mới sáng tạo và chủ động sáng tạo giá trị”.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Đại diện đơn vị đồng tổ chức Hội thảo, ThS. Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận cho biết với đặc thù là địa phương có khí hậu khô hạn, Ninh Thuận đã phát triển nông nghiệp phù hợp với tình hình khí hậu của địa phương và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong thời gian qua, UBND tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu và các đơn vị liên quan thực hiện xây dựng và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho 21 nhóm sản phẩm đặc phù và OCOP. Trong đó, Cục SHTT cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho 2 sản phẩm là Nho và Cừu. Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến nay Ninh Thuận đã có 69 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP với 8 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao, 10 sản phẩm đạt 4 sao và 51 sản phẩm xếp hạnh 3 sao. Đây là những sản phẩm bước đầu tạo dựng được thương hiệu trên thị trường và mang lại giá trị kinh tế ngày càng cao cho người sản xuất, kinh doanh.
Các đại biểu tham dự Hội thảo tham quan các sản phẩm NCKH của Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh.
Là một trong những doanh nghiệp tham gia Hội thảo, TS. Bùi Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tập đoàn đầu tư công nghệ Nam Long nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ 3 nhà “Trường/Viện, Doanh nghiệp và Cơ quan quản lý” trong nghiên cứu phát triển và thương mại hóa sản phẩm Khoa học công nghệ. TS. Phú cho rằng “xây dựng mối quan hệ chặt chẽ và mật thiết giữa “3 nhà” là tất yếu và cấp bách để Doanh nghiệp/trường viện phát triển nhanh/bền vững, nền công nghiệp Việt Nam được cải thiện và vươn tầm ra thế giới. Hiện nay, cơ hội và thời cơ để xây dựng mối quan hệ này đang thuận lợi hơn bao giờ hết”.
TS. Trần Đình Lý chia sẻ tại Hội thảo
TS. Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP. HCM kiêm Giám đốc Phân hiệu trường Đại học Nông Lâm TP. HCM tại tỉnh Ninh Thuận cho biết Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM tại Ninh Thuận (PHNT) được thành lập năm 2010, là cơ sở đào tạo đại học đa ngành và là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học - công nghệ, văn hóa, giáo dục của khu vực Nam Trung bộ và cả nước. Hiện nay, Phân hiệu đang tuyển sinh và đào tạo các ngành trình độ đại học và sau đại học đồng thời đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học gắn liền với đổi mới sáng tạo và khai thác tài sản trí tuệ. Hội thảo lần này vừa thể hiện niềm tin, vừa là tinh thần trách nhiệm cao của các bên liên quan đối với NCKH nói chung và nghiên cứu trong hệ thống đổi mới sáng tạo và khai thác tài sản trí tuệ nói riêng. Bên cạnh đó, hội thảo lần này hết sức có ý nghĩa về thực trạng hoạt động khai thác tài sản trí tuệ tại các trường, viện. Những khó khăn, thách thức hiện nay đồng thời với những đề xuất về giải pháp phù hợp nhằm giải quyết vấn đề. Hội thảo lần này cũng sẽ là nguồn thông tin hữu ích cho các trường, viện và các doanh nghiệp cần trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết không chỉ về quản lý tài sản trí tuệ mà cả về quản lý con người, bởi nhân lực chất lượng cao chính là nguồn tài nguyên quan trọng để liên tục tạo ra tài sản trí tuệ. “Chúng ta cần xây dựng mối liên hệ chặt chẽ với các trường đại học, viện nghiên cứu, các đơn vị có hoạt động khoa học và công nghệ và Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để tạo ra các sản phẩm trí tuệ chất lượng và mang tính thực tiễn cao” – TS. Trần Đình Lý chia sẻ.
Quang cảnh Hội thảo
Thu Thủy – Phòng Thông tin Truyền thông
Số lần xem trang: 2421
Nhập ngày: 26-04-2022
Điều chỉnh lần cuối: 05-05-2022