Tham dự Hội nghị có PGS.TS. Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; TS. Trịnh Xuân Hiếu, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Bộ Giáo dục và Đào tạo; TS. Lê Yên Dung, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên - Bộ Khoa học và Công nghệ; TS. Vũ Thanh Bình, TS. Hoàng Hoa Cương, TS. Trần Nam Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ông Ngô Văn Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cùng tham dự là các đại biểu đại diện Lãnh đạo các Đại học, Trường Đại học, Học viện; Trường Cao đẳng, Viện nghiên cứu; Lãnh đạo các đơn vị quản lý khoa học, chuyên viên phụ trách nhiệm vụ KHCN cấp Bộ của các đơn vị trực thuộc Bộ GDĐT và báo đài đưa tin.
PGS.TS. Nguyễn Tất Toàn phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Tất toàn – Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ “Khoa học và công nghệ được coi là quốc sách hàng đầu, là đột phá chiến lược trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hướng chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Từ đó thấy được vai trò quan trọng của khoa học công nghệ là dẫn đầu cho sự phát triển và học tập khoa học công nghệ tại các đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đóng vai trò rất quan trọng, là một trong những nhiệm vụ cốt lõi nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng làm chủ công nghệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các trường đẩy mạnh công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học uy tín trong hệ thống Web of Science/Scopus. Những thành quả đó góp phần tăng cường sự hiện diện của khoa học Việt Nam trên bình diện quốc tế, thúc đẩy hội nhập quốc tế về giáo dục đại học. Các trường hiện nay ngày càng chủ động trong việc quyết định hướng nghiên cứu và tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh "Việc nghiên cứu khoa học và chiến lược đào tạo là vấn đề cốt lõi trong hoạt động của từng cơ sở giáo dục đại học. Vì vậy, các trường cần trao đổi chia sẻ kinh nghiệm trong và ngoài nước để thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ. Mỗi trường có những điều kiện, chiến lược, sứ mạng và tầm nhìn khác nhau nên điều kiện thực hiện các hoạt động khoa học công nghệ cũng khác nhau và vấn đề chia sẻ kinh nghiệm rất quan trọng".
“Thông qua hoạt động khoa học và công nghệ, mối quan hệ hợp tác giữa trường đại học và khu vực doanh nghiệp được tăng cường; hợp tác quốc tế được đẩy mạnh” - Thứ trưởng nói.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, kết quả nghiên cứu khoa học phụ thuộc lớn đến sự chủ động của nhà trường. Bên cạnh đó, hoạt động khoa học công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ nên tăng cường ứng dụng công nghệ chuyển giao. Ngoài một số trường đã có kết quả tích cực, vẫn còn các trường triển khai có nhiều khó khăn hạn chế về số lượng các bằng phát minh sáng chế và các giải pháp hữu ích. Đây là vấn đề ưu tiên trong thời gian tới.
TS. Vũ Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại hội nghị
Cũng tại Hội nghị, TS. Vũ Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình bày báo cáo tóm tắt Kết quả hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2023 và Triển khai kế hoạch năm 2024.
Trong khuôn khổ Hội nghị, các tham luận giá trị đã được đưa ra với các chủ đề như: Một số vấn đề về quản lý hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học từ tiếp cận hệ thống – Đại học Bách khoa Hà Nội; Nghiên cứu hàn lâm và công bố quốc tế theo định hướng phát triển đa ngành và bền vững tại Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) và Chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Đồng bằng Sông Cửu Long của Trường Đại học Cần Thơ.
Phòng Thông tin Truyền Thông
Số lần xem trang: 2785
Nhập ngày: 15-03-2024
Điều chỉnh lần cuối: 15-03-2024