Từ ngày 17 đến ngày 19/11/2022, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM phối hợp với Đại học Quốc lập Cao Hùng (Đài Loan), Đại học Jenderal Soedirman (Indonesia) và Đại học Okayama (Nhật Bản) tổ chức Hội nghị Quốc tế Nông nghiệp và Môi trường bền vững lần thứ 4 năm 2022 (SAE 2022) với chủ đề: “Các tiếp cận đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Đây là một trong chuỗi các Hội nghị khoa học nhằm chia sẻ những giải pháp phù hợp để giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến các hoạt động nông nghiệp và an ninh lương thực như biến đổi khí hậu, đất đai bị thu hẹp và suy thoái, thiếu nước ngọt, bất thường của thời tiết, ô nhiễm môi trường,…cùng với cuộc khủng hoảng nhiều mặt từ đại dịch COVID-19.
Hội nghị SAE 2022 được tổ chức với mục đích tạo ra môi trường cho các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu về nông nghiệp và môi trường có cơ hội để tìm hiểu, thảo luận về các chủ đề: Xác định những thách thức trong bối cảnh hiện nay có tác động đến các hoạt động nông nghiệp và an ninh lương thực; Tìm ra những giải pháp phù hợp để thích ứng và chuyển đổi trong các hoạt động nông nghiệp thiết yếu và để trở thành một mắt xích của một hệ sinh thái mới của công nghệ số, chuyển đổi số; Tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế giữa các nước trong khu vực để cùng nhau tăng trưởng, phát triển và khắc phục tác động của môi trường đến nền nông nghiệp nước nhà.
Tham dự Hội nghị có PGS.TS. Huỳnh Thanh Hùng – Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, PGS.TS. Nguyễn Tất Toàn – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; GS. Yasushi Mori, Đại học Okayama, Nhật Bản; GS. Hsing-Hao Wu, Đại học quốc gia Kaohsiung, Đài Loan; GS. Akhmad Sodiq, Hiệu Trưởng Trường đại học Jenderal Soedirman, Indonesia; Các nhà khoa học, diễn giả trong và ngoài nước cùng giảng viên, sinh viên của nhà trường.
Hội nghị đã nhận tổng cộng 141 bài tổng quan với sự tham gia của 250 tác giả đến từ nhiều nước (Việt Nam, Nhật bản, Đài Loan, Indonesia, Hàn Quốc và các nước trong khu vực) trong đó được duyệt báo cáo oral là 72 bài và 69 báo cáo khoa học theo hình thức POSTER. Các bài Oral được phân về 7 tiểu ban chuyên môn với các chủ đề liên quan đến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến hoạt động nông nghiệp, môi trường.
Đến với Hội nghị có nhiều bài báo cáo được trình bày bởi các diễn giả “keynotes” là các giáo sư đại diện từ các trường đại học đồng tổ chức hội nghị với 4 bốn chủ đề báo cáo chính: Phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực nông nghiệp do tác động bởi cấu trúc đất và quản lý nước (Giáo sư Yasushi Mori); Các phương pháp tiếp cận sáng tạo trong nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu (PGS.TS. Phan Tại Huân); Phát triển chính sách để đạt được mục tiêu không phát thải ròng (CO2) trong bối cảnh của ngành nông nghiệp: Kinh nghiệm của Đài Loan (Giáo sư Hsing-Hao Wu); Cải thiện hệ thống chăn nuôi và sản xuất vật nuôi để phát triển nông thôn bền vững ở Đông Nam Á (Giáo sư Akhmad Sodiq).
Phòng Thông tin Truyền thông
Ảnh: Hội nhiếp ảnh Nông Lâm
Số lần xem trang: 2424
Nhập ngày: 18-11-2022
Điều chỉnh lần cuối: 22-12-2022